Đi từ Bắc chí Nam, ở Việt Nam không thiếu những ngôi làng có nhiều đại gia phất lên nhờ nghề buôn bán phế liệu. Tuy nhiên, có những trường hợp khó tin, mà khi tin rồi cũng chưa chắc mấy ai dám bắt chước. Mưu sinh bằng nghề “độc” như họ thì phải có gan lắm mới làm được.
Làng Quan Độ – làng “mổ xác máy bay làm giàu”
Nói đến làng Quan Độ ở tỉnh Bắc Ninh thì không ai còn lạ gì về độ giàu có. Nơi đây được biết đến như một trung tâm phế liệu lớn nhất nhì Việt Nam nói chung và khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói riêng. Ở cái làng mà đi đâu cũng bắt gặp những ngôi nhà to khang trang, thậm chí biệt thự cao chót vót, thì số đại gia phải nói là không đếm xuể.
Ban đầu người dân nơi đây chỉ là đi nhặt nhạnh những mặt hàng phế liệu thông thường về làm kiếm cái ăn. Dần dần, họ nhận ra và nắm bắt cơ hội làm giàu nhanh chóng bằng các mặt hàng “độc” như máy bay hỏng, tên lửa, thiết giáp, thậm chí cả chiến hạm. Thay vì chỉ là mảnh vụn đồng nát thu gom từ các hộ gia đình và công trường, những động cơ cũ, rồi đến thùng sắt, biến áp,… thì giờ đây người kinh doanh phế liệu ở làng Quan Độ đã quá quen khi tiếp xúc với những món hàng đem lại lợi nhuận cao ngất kia.
Họ mua hàng về, tách từng bộ phận, mổ xẻ các động cơ thành trăm mảnh rồi nấu thành những khối phôi thép. Phế liệu lúc này bỗng đội giá trị lên không tưởng và họ thu lợi về thành nguồn tiền chính cho cả gia đình, dân làng. Đổi lại với sự giàu sang là nỗi lo về nguồn nước ô nhiễm, không khí không còn trong lành, tiếng ồn bao vây, thậm chí tính mạng cũng bị đe dọa.
Xóm “cưa bom” ở Nghệ An
Đó là xóm Trung Thành thuộc huyện Diễn Châu, Nghệ An, nơi được mệnh danh là “xứ đồng nát” hay “làng cưa bom”. Gọi như vậy là vì dân làng ở đây mưu sinh nhờ nghề thu mua phế liệu và tái chế vỏ bom mìn. Và họ giàu lên nhanh chóng cũng từ đó. Đến xóm Trung Thành, không khó khăn gì để bắt gặp những quả bom, đầu đạn được cưa cắt tháo kíp nổ chất đống cao.
Không chỉ mua phế liệu, vỏ bom ở trong tỉnh mà người buôn phế liệu của làng này còn sang tận bên Lào để thu gom. Sau đó họ xử lý sơ qua và nhờ thương lái gom lại, vận chuyển bằng xe tải về nhập cho các chủ đại lý trong huyện. Công việc tuy đem lại lợi nhuận cao nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Họ tự tay thực hiện việc tháo kíp, cưa bom để lấy sắt vụn thuốc nổ đem bán.
UBND tỉnh Nghệ An vừa phê duyệt cho việc thành lập khu công nghiệp nhỏ Diễn Hồng để tập trung các đại lý chuyên thu mua phế liệu tạo thành khối liên kết. Việc này giúp thắt chặt hơn quản lý đối với các hộ kinh doanh ngành nghề mang tính nguy hiểm của dân làng Trung Thành. Và nó cũng là điều kiện để các họ kinh doanh phát triển bền vững, an toàn hơn để gắn bó lâu dài với cái họ chọn.
Thôn Tân Hiệp ở Quảng trị – làng cưa bom
Người dân Quảng Trị và các tỉnh lân cận biết đến thôn Tân Hiệp với các tên nổi tiếng là “làng cưa bom”. Bởi có một giai đoạn mà đến 90% dân số kéo nhau lên rừng thu gom phế liệu chiến tranh. Tuy nhiên trong mấy năm trở lại đây, vì nguồn phế liệu đó trở nên khan hiếm nên số người đi rà phế liệu cũng ít dần.
Hiện nay chỉ còn một chủ cơ sở thu mua phế liệu duy nhất ở Tân Hiệp là cơ sở của ông Phạm Văn Phương, 53 Tuổi. Ông cho biết: “Vợ chồng tôi theo nghề phế liệu chiến tranh đã được 20 năm nay. Trước đây chúng tôi mỗi ngày đi thu mua đến hàng tấn vỏ bom đạn về xử lý và đem bán lại kiếm lời”. Đến nay lượng phế liệu bom mìn cũng dần vơi và vợ chồng ông cũng thu nhập không bằng những năm đầu thập kỷ 90.
Nghề này là trực tiếp đi rà phá, đào tìm các loại phế liệu như bom, mìn. Nghe qua thôi đã thấy nguy hiểm luôn cận kề và phải gan lắm mới làm giàu được. Bởi vậy không ít người từ bỏ khi thấy trước mắt những tai nạn cướp đi sức khỏe, sinh mạng những “đồng đội” của mình.
Làng nghề “mổ xe” ở Vĩnh Phúc
Đến xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, dễ dàng thấy hai bên đường chất ngổn ngang các thứ sắt vụn, linh kiện hỏng từ đầu làng đến cuối làng. Những người công nhân sửa chữa, thay mới và sơn màu lại cho xe ô tô, xe máy. Còn linh kiện thay có thể lấy từ xe này bỏ qua xe kia hoặc quá cũ thì phải mua mới. Cái nào “hết xí quách” rồi thì họ mổ xác lấy từng bộ phận để bán lấy tiền.
Năm 2007, xã này được quy hoạch thành cụm làng nghề với diện tích gần 20ha, quy mô của làng nghề mổ xe ngày càng được mở rộng. Cuộc sống người dân theo đó khấm khá hẳn lên và nhiều trường hợp phất lên thành đại gia phế liệu nổi tiếng. Trung bình mỗi chiếc xe lời cao nhất từ 200 đến 300 triệu đồng, ít cũng được 100 triệu đồng. Đó là đã tính trừ chi phí thuê người làm, kéo về, lắp ráp và thay thế phụ tùng cho những chiếc xe.
Làm những nghề buôn bán phế liệu “hàng độc” như người dân ở các ngôi làng này thì dễ giàu thật. Họ có thể dễ dàng kiếm cái ăn cái mặt, thậm chí nhanh chóng phất lên thành đại gia và mở rộng làm ăn ngày một phát đạt. Tuy nhiên những nguy cơ đe dọa tính mạng từng ngày là điều không ai không nhận ra. Đó là cả một sự đánh đổi, mà sự đánh đổi này quá nặng hay cũng bình thường là do sự nhìn nhận và lựa chọn của chính người trong cuộc.