Nhiều người dân ở làng Diễn Tháp giàu lên, trở thành tỷ phú nhờ buôn bán đồng nát phế liệu trong những năm qua. Cái giàu đến từ sức lao động, những giọt mồ hôi, sự chăm chỉ siêng năng của họ được đền bù xứng đáng. Hiện nay không khó để bắt gặp ô tô, biệt thự sang trọng ở khắp làng xóm…
Ngôi làng có hơn 800 tỷ phú
Có thể nhiều người không tin, nhưng đúng là có đến hơn 800 tỷ phú ở làng Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thêm một điều có thể khiến bạn khó tin, đó là những người dân giàu có nơi đây đã được đổi đời nhờ nghề buôn bán phế liệu. Bắt đầu từ năm 2000, họ đua nhau xây biệt thự, tậu ô tô khiến cho người dân xung quanh địa phương vô cùng ngạc nhiên.
Trong một thời gian ngắn mà cuộc sống của người dân và bộ mặt làng Diễn Tháp đã thay đổi một cách chóng vánh khó nhận ra. San sát nhau là những ngôi cao tầng nối thành một con phố dài dọc theo trung tâm xã. Toàn xã có hàng trăm hộ được gọi là đại gia, tính sơ đã thấy có hơn 500 chiếc xe hơi các loại. Đa số ô tô ở đây đều là hàng xịn, khủng, cái rẻ nhất cũng đã khoảng 500 triệu đồng. Thậm chí một vài tỷ phú ở đây còn xài xế hộp lên đến cả chục tỷ đồng.
Không thể đếm xuể số biệt thự sang trong xã bởi vì hầu như nhà nào cũng xây nhà thật to đẹp khi có được nguồn tài chính nhất định. Đơn cử như trường hợp anh Võ Văn Khang, sinh năm 1958, hiện anh đang sở hữu căn biệt thự vài tỷ đồng, trong đó trang bị toàn những tiện nghi gia dụng đắt tiền, giá trị nhất.
Người này tâm sự: “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo mà còn đông anh em nữa. Sau khi lấy vợ thì dắt nhau ra ở riêng. Nghe người ta rủ đi Lào thu gom phế liệu là đi liền. Ban đầu chỉ buôn nhỏ với chiếc xe đạp cà tàng và ít nồi niêu, đồ nhựa. Sau có vốn thì đi Nam Định lấy hàng nhiều, thuê xe chở sang Lào nhập cho họ”. Đi lên dần dần như vậy, hiện nay anh đã trở thành một tấm gương về làm giàu ở địa phương.
Anh Khang hiện có đến 3 chiếc ô tô, quản lý khoảng 30 công nhân phân loại phế liệu, bốc chuyển hàng hóa. Đây không phải trường hợp hiếm thấy ở xã Diễn Tháp, mà nhan nhản, ngay cả những thế hệ 8x, 9x cũng đã là tỷ phú khi gắn bó với cái nghề phế liệu này, giàu sang không kém. Như anh Nguyễn Hồng Sơn, sinh năm 1998, bỏ học từ năm lớp 9 để theo nghề, đến nay đã bám trụ được 10 năm và nắm trong tay một cơ ngơi ai cũng phải ước mơ.
Theo đánh giá của các nhà xã hội học, hiện nay xã Diễn Tháp là một trong những ngôi làng giàu nhất của Việt Nam khi có đến hơn 800 tỷ phú. Bởi vậy không có gì khó hiểu khi nơi đây được mệnh danh là làng “tỷ phú đồng nát”.
Xuất phát điểm là nghề đúc đồng
Đến làng Diễn Tháp, người ta nhanh chóng nhận thấy dọc đường là chi chít những ngôi biệt tự khang trang, những gia đình giàu có, sinh hoạt thoải mái không cần lo nghĩ bữa ăn. Họ giàu lên từ nghề buôn bán phế liệu nhưng ít ai biết trước đây chỗ này là một nơi đồng không mông quạnh, nước ngập quanh năm rất nghèo khổ. Để diễn tả cuộc sống người dân ngày trước, thậm chí có thể dùng cụm từ nghèo xơ nghèo xác.
Ngày xưa hầu hết mọi người làm nông, nhưng không có ruộng đồng cò bay thẳng cánh mà mỗi hộ gia đình chỉ được vài ba sào ruộng khoán. Tuy nhiên may mắn thay, ngoài làm nông thì làng Diễn Tháp còn có nghề đúc đồng truyền thống. Mặc dù không phải nguồn thu nhập chính nhưng những lúc nhàn rỗi của ruộng mương thì họ có thể kiếm được thêm vài đồng.
Trước những năm 90, làng Diễn Tháp được xem là một trong những xã nghèo nhất huyện, đời sống bà con rất khó khăn. Xuất phát từ nghề đúc đồng truyền thống mà sau mỗi mùa gặt là bà con sắm cho mình chiếc xe cà tàng để đi gom đồng nát về phục vụ cho nghề. Họ đến các hộ gia đình trong tỉnh và đến các tỉnh lân cận để thu mua đồng nát, các loại như nhôm, sắt, nhựa,… Thậm chí đến tận Lào để thu gom về làm.
Sau này, khi nhận thấy số phế liệu đi mua về nhiều quá, mà có thể sinh lời, bà con nảy ra ý tưởng buôn bán đồng nát chuyên nghiệp. Thế là người người, nhà nhà đi buôn. Họ mua đủ thứ trên đời, từ những chiếc xoong nồi hư hỏng, lông vịt, dép nhựa hỏng, chai lọ, giấy vụn, bao bì,… cho đến xe đạp cũ, rồi dần dần đến những mặt hàng “độc” như vỏ bom, mìn.
Với tính siêng năng, cần kiệm, người dân Diễn Tháp nhặt nhạnh tất cả những gì họ có thể bán được. Các cô cậu học trò cũng đi học nửa ngày, còn nửa ngày ở nhà phụ gia đình đi lượm đồng nát về bán. Dường như cả đêm cả làng không ngủ vì phải tập trung phân loại, xử lý phế liệu để bán được giá cao nhất.
Không chỉ cần cù mà những người dân ở đây còn biết tính toán kinh tế giỏi. Khi giá phế liệu bên Lào thấp, họ ào ạt qua mua về. Sau đó lại phân loại, tái chế và chờ khi giá bên Lào cao thì quay lại bán để kiếm bộn tiền lời. Dần dần, hàng trăm người trở thành tỷ phú và thay đổi bộ mặt làng quê thật khởi sắc.