Tính đến cuối tháng 9 năm 2018, khối lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng đều ở các thị trường nói chung. Về lượng, sắt thép nhập khẩu tăng 19,3% và tăng 47,3% đối với kim ngạch, so với cùng kỳ năm ngoái – theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục hải quan.
Các số liệu báo cáo sơ bộ của Tổng cục hải quan cho thấy, tính trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước nhập khẩu số lượng sắt thép phế liệu cụ thể là 467.707 tấn, trị giá 168,83 triệu USD. Về kim ngạch thì con số này tăng 4,7% so với tháng 8 trong năm nhưng tăng 8,3% về lượng và 29,4% về kim ngạch so với cùng tháng này của năm 2017. Tính chung, lượng phế liệu sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam đạt 3,95 triệu tấn, tương đương 1,39 tỷ USD. Song song với lượng nhập khẩu là giá thành sắt thép phế liệu, cụ thể đã tăng bình quân 351 USD/tấn, tăng đến 23,7%.
Trong đó, hai thị trường chính xuất khẩu sắt thép phế liệu đến Việt Nam là Nhật Bản và Mỹ. Trong những tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập từ Nhật Bản đạt 1,16 triệu tấn, trị giá 432,55 triệu USD, chiếm 29,4% trong tổng số phế liệu sắt thép nhập khẩu của cả nước, đồng thời chiếm 31,2% trong tổng kim ngạch so với năm trước. Giá nhập khẩu phế liệu sắt thép tăng 30,4%, đạt trung bình 371,9 USD/tấn.
Đứng sau Nhật Bản trong danh sách nhà cung cấp phế liệu sắt thép nhiều nhất cho Việt Nam là Mỹ. Số lượng nhập từ quốc gia này tăng mạnh đến 44,7% về lượng và 80,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 660.238 tấn với trị giá trên 236 triệu USD, giá nhập khẩu phế liệu sắt thép tăng 24,9%, trung bình giá 357,8 USD/tấn.
Tại thị trường xuất khẩu của Hồng Kông, trong những tháng đầu năm 2018 nguồn này đã tăng mạnh 30,5% về giá, đạt trung bình 367,2 USD/tấn. Tuy lượng nhập khẩu đạt 424.326 tấn là giảm 17% nhưng kim ngạch vẫn tăng 8,2%, đạt 155,79 triệu USD, chiếm 10,7% trong tổng lượng và chiếm 11,2% trong tổng kim ngạch. Đối với thị trường Australia, hàng sắt thép phế liệu nhập khẩu tăng về giá, lượng và cả kim ngạch. Mức tăng tương ứng 26,8%, 9,8% và 39,2%.
Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm nay thì kim ngạch ở hầu hết các thị trường đều tăng. Trong đó phải kể đến thị trường Hà Lan với những con số tăng đột biến, gấp 442 lần về lượng và gấp 655 lần về kim ngạch so với cùng thời gian này vào năm ngoái. Bên cạnh đó, nhập khẩu phế liệu cũng tăng nhiều ở Campuchia, Anh, Mexico, Đài Loan hay U.A.E. Chỉ có 3 thị trường nhập khẩu sắt thép phế liệu bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái là Singapore, Brazil và NewZealand.
Không chỉ riêng sắt thép mà các mặt hàng phế liệu khác được nhập về Việt Nam trong những tháng đầu năm 2018 nhìn chung cũng đều tăng. Gần đây, khi các chỉ thị áp dụng quy chế hạn chế danh mục nhập khẩu một số loại phế liệu thì lượng và kim ngạch của chúng sụt giảm. Nguyên nhân của các quy định là do sự nhập khẩu ồ ạt, khó kiểm soát của nhiều doanh nghiệp. Việc nhập khẩu phế liệu bị lạm dụng, làm sai luật khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành một bãi rác thải.
Nhập khẩu tăng có lợi cho các hoạt động sản xuất của ngành tái chế bởi đó là nguồn nguyên liệu chủ yếu, giá thành rẻ để các doanh nghiệp có thể kiếm được nhiều lợi nhuận và sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh tốt trên thương trường thế giới. Tuy nhiên cũng nảy sinh tình trạng dư thừa nếu nhập khẩu không chọn lọc, biến thị trường phế liệu trở nên ngổn ngang. Vậy nên các biện pháp cải thiện là rất cần thiết trong thời điểm này.